Ghế công thái học đi cùng với rất nhiều kiểu dáng và mẫu mã và nó không chỉ dừng lại ở hình dáng. Để dễ hiểu hơn, hôm nay Epione sẽ nói sâu vào một chủ đề đó là phần tay ghế (Armrest) và cách để bạn có thể chọn tay ghế tốt nhất cho bạn.
Hầu hết tay ghế công thái học trên thị trường đều làm bằng nhựa PU hoặc bằng khung kim loại phủ lớp nhựa PU ở mặt trên. Ở một số mẫu như ghế gỗ hay ghế da sẽ có tay ghế sở hữu vật liệu tương tự. Ngoài ra, một số hãng không làm tay ghế cứng mà sẽ cho một lớp đệm hay lớp lưới nhỏ lên. Điều này là để bù lại cho sự thiếu linh động của phần tay ghế này trên ghế công thái học.
Gần như tất cả ghế công thái học dưới 5 triệu đều dùng loại tay ghế này. Bởi vì thường là kết nối cố định với ghế từ 1 đến 2 điểm, phần tay ghế này là loại chắc chắn nhất trong tất cả. Thậm chí, một số loại tay ghế này được thiết kế hàn cứng vào khung ghế luôn, bạn sẽ không thể tháo nó ra được. Bù lại, bạn sẽ không thể điều chỉnh được vị trí của nó, nhiều người còn hoàn toàn không dùng được luôn vì vị trí của phần tay ghế này quá xa hoặc quá thấp.
Tay ghế ergonomic cố định còn có thể có thêm khớp để xoay cất đi khi cần (nguồn ảnh: ergohome.vn)
Tay ghế 1D hay còn gọi tay ghế điều chỉnh độ cao. “D” ở đây là “Dimension”, tức là chiều, hoặc hướng di chuyển. Ví dụ như ở tay ghế 1D này, bạn chỉ có thể điều chỉnh 1 hướng, thường là điều chỉnh độ cao. Tùy loại mà tay ghế công thái học 1D có thể đẩy được những độ cao trong khoảng từ 5cm đếm 15cm. Số lượng nấc dừng và tốc độ di chuyển độ cao cũng tùy thuộc vào nhà sản xuất. Các loại tay ghế này cũng khá rẻ, thường nằm ở cùng tầm tiền của ghế có tay cố định và hơn một chút.
Chuyển động của bệ tỳ tay 1D trên ghế công thái học
Tay ghế 2D, như đã nhắc đến ở trên, là loại tay ghế có thể di chuyển được 2 chiều. Tay ghế 2D có thể chỉnh được độ cao, và xoay được phần tay ghế qua trái phải (như hình). Loại tay ghế này cũng khá rẻ, nhưng thường ít hãng đưa loại này vào mẫu ghế công thái học của mình. Lý do đơn giản là vì nếu có thể họ sẽ lên thẳng 3D, hoặc chỉ dừng lại ở 1D hoặc cố định. Tuy nhiên, việc có thêm một mức độ điều chỉnh hẳn là cũng không hại ai cả đúng không nào.
Chuyển động của bệ tỳ tay 2D
Tiếp theo đến là tay ghế 3D. Với 2 phương di chuyển mà tay ghế 2D có, tay ghế 3D còn có thêm một phương di chuyển nữa đó là đẩy tới và lui phần đệm tay. Đây cũng là tính năng ăn tiền trên tay ghế 3D làm cho nhà sản xuất bỏ qua tay ghế 2D. Hầu hết các trường hợp bạn muốn chỉnh tay ghế là vì nó quá dài, vướng vào cạnh bàn, hoặc nó quá ngắn làm bạn không thể nghỉ tay trên đó khi làm việc được. Cũng vì lý do đó, tay ghế 3D được dùng khá nhiều trong các mẫu ghế công thái học tầm trung và các loại ghế gaming.
Chuyển động của bệ tỳ tay 3D trên ghế công thái học
Tay ghế 4D có thêm một chiều di chuyển nữa đó là đẩy phần tựa tay về gần mình hơn hoặc xa ra. Tính năng này cũng khá hữu ích với những bạn có tạng người bé, muốn tựa tay mà vị trí của nó lại quá xa. Tuy nhiên, vì chiều rộng của phần tay ghế thường không quá lớn nên khả năng di chuyển của nó cũng hạn chế. Một số hãng hiếm hoi sẽ thêm phần mở rộng bên dưới để kéo được xa hơn, nhưng như vậy sẽ có thêm rủi ro của việc làm cho tay ghế yếu đi rất nhiều.
Chuyển động của bệ tỳ tay 4D
Ghế Epione ErgoChair Pro được trang bị bệ tỳ tay 4D
Còn một vị trí di chuyển nữa đó là chuyển động gấp tay ghế về phần lưng hoặc xuống dưới. Đây thường là tính năng thêm của tay ghế cố định, bởi tay ghế có “D” cũng khá dễ tháo lắp, thậm chí một số hãng còn làm nó có tính module tháo lắp dễ dàng. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác về công thái học, các bạn hãy tham gia ngay nhóm Cộng đồng bàn ghế Ergonomic hoặc theo dõi kênh Youtube của Epione nhé!